"Không lối ra, không đầu tư, không quảng cáo, không trình chiếu, phim hoạt hình Việt Nam hiện nay giống như bức tranh buồn" - nhận xét của đạo diễn Nguyễn Hà Bắc, người đã hơn 30 năm gắn bó với phim hoạt hình, như một phác họa sắc nét bức tranh làm phim hoạt hình Việt hiện tại.
Không thể ra rạpMỗi năm, Hãng phim hoạt hình Việt Nam cho "ra lò" khoảng 10 bộ phim, nhưng hầu hết chỉ chiếu 1 - 2 lần, rồi đem cất vào kho chờ… cơ hội. Dù hãng sản xuất đã cố gắng để ký hợp đồng bán phim cho các "nhà đài", thậm chí đã từng in sao thành các sản phẩm đĩa phim để bán, nhưng việc phát hành vẫn… dậm chân tại chỗ. Hiện nay, các rạp chiếu cũng không "khai vị" bằng phim hoạt hình trước khi chiếu phim truyện như đã từng làm một dạo, nên nhìn quanh chỉ thấy 2 dịp lớn được coi là cơ hội cho phim hoạt hình ra rạp: Tết Thiếu nhi 1/6 và Trung thu.
Đời sống của phim hoạt hình nội là thế, nhưng các hệ thống rạp chiếu trong nước lại kiếm được lợi nhuận "khổng lồ" từ việc chiếu phim hoạt hình nước ngoài. Vé của bộ phim "Kỷ băng hà" tại hệ thống các rạp Megastar, Trung tâm chiếu phim Quốc gia… vé luôn hết trước thời gian công chiếu. Trước đó, "Vua sư tử", "Gã chằn tinh tốt bụng"… có thể nói đã tạo nên "cơn sốt" vé tại nhiều phòng chiếu, khiến các nhà phát hành thắng lớn.
Ông Brian Hall, Tổng Giám đốc Công ty Megastar khẳng khái cho biết: "Công ty sẵn sàng phát hành các bộ phim hoạt hình Việt Nam nếu có nội dung tốt". Cũng có nghĩa "đất" cho phim hoạt hình Việt cũng có, nhưng bản thân phim không đủ khả năng cạnh tranh để "sống được" trên mảnh đất ấy. Đây là điều rất đáng phải suy ngẫm.
Lỗi từ đâu?Không phải phim hoạt hình không có khả năng mang lại doanh thu cao. Trên thế giới, ngoài doanh thu từ bán vé, bản quyền truyền hình, còn có những sản phẩm "ăn theo" như đồ lưu niệm, quần áo có hình ảnh của nhân vật. Nếu biết khai thác, khoản lợi thu được từ phim hoạt hình không phải là nhỏ. Nhưng điều cốt yếu là sản phẩm phim hoạt hình làm ra có "đủ sức anh tài" để ra rpj, để bán cho "nhà đài", để cho các dịch vụ khác "ăn theo"… hay không?
Tuy nhiên, phim hoạt hình của ta còn quá nghèo nàn về nội dung, "chậm bước" về kỹ xảo. Thực tế cho thấy, trong khi phim hoạt hình công nghệ 3D đã phổ biến trên thế giới, các nhà làm phim Việt mới rục rịch làm quen với công nghệ này. Trong rất nhiều phim hoạt hình Việt Nam , dễ dàng thấy sự trống vắng của việc đầu tư tạo hình nhân vật. Người xem chưa thấy một nhân vật đặc trưng, một nhân vật điển hình của hoạt hình Việt Nam . Một nhân vật như kiểu Tom và Jerry, Mickey, Donald, Pooh... hay những nhân vật rất sôi động như chú cá hề Nemo, gã chằn tinh Shreek... Dù kho cổ tích có biết bao nhân vật lẫy lừng, có thể làm "nguồn" để hình thành các nhân vật hoạt hình Việt, nhưng vẫn chẳng thấy tăm hơi một Sọ Dừa, một cô Tấm, một chim Vàng anh… ra rạp. Thế mới thấy, những nhân vật trong phim hoạt hình Việt Nam thật nhỏ bé và thiếu sức sống.
Không những thế, phim hoạt hình Việt Nam có quá ít những kịch bản hay, nội dung các bộ phim chỉ loanh quanh những tích dân gian, nhưng lời thoại đơn giản, ít tính hài hước... Theo đạo diễn phim hoạt hình Pháp Prakash Topsy, phim hoạt hình Việt Nam chỉ phù hợp với khán giả trong nước vì cốt truyện, hình tượng nhân vật, cách ứng xử, lời thoại đều khá khó hiểu đối với người nước ngoài. Đó là chưa kể cách thể hiện chưa mạch lạc, thiếu sức hấp dẫn, diễn biến phim đều đều, tẻ nhạt, không có những cao trào, đột biến bất ngờ... Hơn nữa, hoạt hình Việt Nam cũng không có những seri phim dài tập, nên chưa có nhân vật với tính cách rõ nét và ghi được dấu ấn trong tâm trí người xem.
Không phải Việt Nam không có người làm phim hoạt hình giỏi, bởi hiện có một đội ngũ các nhà làm phim hoạt hình Việt đang "đánh thuê" cho các hãng phim nước ngoài. Khán giả có thể dễ dàng phát hiện sự có mặt của họ qua những cái tên Việt như: Huy Nguyen, Quan Tran, John Truong, Dennis Duong… trong phần giới thiệu đoàn làm phim của những bộ phim hoạt hình nổi tiếng gần đây như "Madagascar 3D", "Kỷ Băng Hà 4" hay "Công chúa tóc xù"… Rồi mới đây, bộ phim ngắn "Đại chiến Bạch Đằng", dài hơn 6 phút do nhóm sinh viên Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP. HCM) thực hiện, đã gây được sự chú ý và nhiều lời khen từ cộng đồng mạng.
Vậy là người làm phim hoạt hình Việt thạo nghề cũng có, mà những "nhân tố" trẻ dành cho tương lai của phim hoạt hình Việt cũng có. Chỉ có điều thiếu "đất" để cho họ "dụng võ". Nghĩa là phim hoạt hình cần có những chương trình đầu tư có trọng điểm, trong đó có cả việc thu hút nhân tài.
Theo KTĐT
nguồn truyentranhviet.vn